MẸ BỈM SỮA DẠY CON THÔNG THẠO TIẾNG ANH TỪ KHI CÒN NHỎ
Một cậu bé 3 tuổi đã thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh, đó có lẽ là điều khó có thể tin nổi. Nhưng đằng sau thực tế đáng kinh ngạc ấy là sự nỗ lực không ngừng và phương pháp nuôi dạy con độc đáo của một bà mẹ bỉm sữa mê ngoại ngữ.
*********
Trượt đại học, bị cho là 'kẻ điên' đổi đời nhờ ngoại ngữ
Sinh ra và lớn lên ở Long Biên, Hà Nội Phan Thị Quỳnh Trang (SN 1990, giáo viên Tiếng Anh) vốn ít có cơ hội giao tiếp và học ngoại ngữ như nhiều bạn nhỏ thành thị.
Dẫu vậy, ngay từ nhỏ, Quỳnh Trang đã là cô gái có cá tính mạnh, thích gì làm nấy và luôn muốn đi ngược lại quy luật chung.
Thừa hưởng gen hát hay của mẹ, cùng với niềm say mê ngoại ngữ từ nhỏ, Quỳnh Trang thuộc làu những bản nhạc nước ngoài như Modern Talking, Boney M hay Abba và luôn sử dụng chúng để học tiếng Anh.
Quỳnh Trang chia sẻ: 'Khi đi học ở trường, mình chỉ ngóng được đọc hội thoại, được nhập vai.... mà chẳng bao giờ được vì phải ghi chép rất nhiều.
Nói chung, cách học truyền thống gây cho mình một tâm lý ức chế khi học tiếng Anh, nên mình luôn tự tìm cách học theo cách của mình vì muốn biết nhiều hơn thế'.
Ngày ấy, sự bướng bỉnh và kiên trì theo đuổi ngoại ngữ của Quỳnh Trang đôi khi còn nhận lại những ánh mắt soi mói, thiếu thiện cảm từ người xung quanh. Nhiều người còn nghĩ cô bị điên mỗi khi thấy Trang vừa đi đường vừa lẩm nhẩm tập nói thứ tiếng họ nghe chẳng vào tai ấy.
Cô kể: 'Mình cứ ngồi nhại lại tivi, nghe nhạc, xem film rồi thậm chí bật nhạc để chép lời, đứng trước gương tự diễn như trò hề mà lại thấy vui. Mình tự tập nghe tập nói đến nỗi ra ngoài đường người ta tưởng điên.
Nhớ lần đầu tiên gặp một anh nước ngoài mà tim bắn ra ngoài mồm nói không thành câu. Xong rồi lại thấy hứng thú, lại muốn tìm nhiều người bạn nước ngoài hơn nữa'.
Thời ấy, bạn bè say mê đủ thứ, còn với Trang, niềm yêu thích lớn nhất thời học trò của cô là tiếng Anh.
Cô còn từng đánh liều làm một chuyên đề trước giờ chào cờ toàn trường bằng màn song ngữ Anh - Việt và thành công ngoài mong đợi. Thế nhưng đời chẳng đẹp như mơ, Quỳnh Trang vẫn không thể thi đỗ vào Học viện Ngoại giao hay Đại học Ngoại ngữ cô yêu thích.
Video chuyên đề cuối cùng năm lớp 12 (2007)Trang đã thực hiện 100% tiếng Anh năm Không sụp đổ trước cú sốc ấy, Trang vẫn tiếp tục hành trình tự học tiếng Anh, chọn nghề gia sư để không bị mai một kiến thức, bởi cô 'luôn giữ niềm tin mình sẽ làm được điều gì đó với vốn tiếng anh của mình'.
Cô mất 3 năm đầu đi dạy gia sư và gây dựng uy tín, ngày đó cũng chỉ được nhận 30.000 đồng/2 tiếng dạy thêm. Rồi sau vài năm rèn luyện, cũng được nhiều phụ huynh tin tưởng, Quỳnh Trang đã nhận được mức lương cao hơn là 100 -150k/ buổi vào những năm 2010.
Không từ bỏ đam mê, Trang đã trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình bằng cách dạy học.
Dành cả thanh xuân nỗ lực học và dạy thứ ngôn ngữ mình 'yêu mê mệt', tới 2016, Quỳnh Trang theo học khóa TESOL, ghi dấu được ấn tượng tốt đẹp trong mắt thầy cô và bạn bè và đã đuợc mời giảng dạy cho Tổng công ty Quản Lý Bay Việt Nam.
Cũng từ ấy, những cơ hội mới đến với Trang và thế giới quan của cô đã không chỉ dừng lại ở một vùng đất nhỏ.
Tiếng Anh giúp Trang từ một cô gái thi trượt đại học, khiến nhiều người cho rằng 'bị điên' trở thành một người được tiếp xúc với những nền văn hóa của những nơi khác nhau trên thế giới, làm cố vấn hướng nghiệp cho sinh viên tại trường ĐH RMIT, xây dựng được các lớp học tiếng anh thực sự chất lượng và hiệu quả.
Hiện tại, Quỳnh Trang đã trở thành một giáo viên tiếng Anh có tiếng và đang theo học chương trình Thạc sĩ lý luận và phương pháp giảng dạy Tiếng Anh của Đại học Victoria Úc (Chương trình liên kết với ĐH Hà Nội tại Việt Nam).
Tiếng Anh giúp Quỳnh Trang mở rộng thế giới quan và có được những điều tốt đẹp.
Bí quyết giúp con thơ thạo tiếng Anh ngay từ khi mới chào đời
Thấu hiểu được những giá trị tốt đẹp tiếng Anh mang lại cho chính cuộc đời mình, Quỳnh Trang khao khát giúp nhiều bạn trẻ thành công và tránh xa những 'vết xe đổ' của cô khi giảng dạy ngôn ngữ thứ hai của thế giới bằng những phương pháp độc đáo.
Không chỉ vậy, Trang còn làm được điều khó ai tưởng tượng nổi, đó là giúp cậu con trai Nguyễn Thế Bảo, 3 tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh ngay từ khi mới chào đời.
Cậu bé Thế Bảo có thể nói thạo tiếng Anh từ nhỏ.
Quỳnh Trang cho biết: 'Từ khi biết có bầu, mình hầu như thường hay đọc sách truyện tiếng Anh, và rất hay tâm sự trò chuyện với con, miêu tả những thứ diễn ra hằng ngày và duy trì điều đó cho tới tận bây giờ. Hiệu quả thu lại của con là con hoàn toàn sử dụng được hai ngôn ngữ cùng lúc và đúng hoàn cảnh'.
Quỳnh Trang luôn tâm niệm rằng phải chậm lại, lắng nghe điều con muốn, quan sát điều con làm, và dành thời gian để làm điều đó cùng con. Việc bà mẹ bỉm sữa này duy trì nói chuyện hay miêu tả mọi thứ cho con nghe bằng tiếng Anh đã giúp bé Thế Bảo tích lũy được phản xạ tự nhiên trong việc giao tiếp ngoại ngữ.
Không chỉ vậy, cô cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ chồng khi anh sẵn sàng thường xuyên chuẩn bị các trò chơi tương tác, những thí nghiệm khoa học nhỏ để kích thích trí tò mò, sự sáng tạo của con, để gia đình có nhiều thời gian gắn kết hơn, và cũng là để con được 'nói' nhiều hơn.
Với nhiều người, học ngoại ngữ là phải bài bản từ sách vở, ghi chép hoặc nghe giảng, nhưng cách làm của Quỳnh Trang lại chỉ đơn giản là kể truyện cho con nghe mỗi tối.
Những câu truyện tiếng Anh mang lại rất nhiều điều thú vị và luôn khiến cậu bé Thế Bảo tò mò, thậm chí đọc thuộc làu không cần nhìn truyện. Chính những điều rất tự nhiên này đã giúp Thế Bảo thích ứng với tiếng Anh từ sớm, tập làm quen với cả hai ngôn ngữ khi mới chào đời.
Một góc gia tài truyện tranh song ngữ của cậu bé Thế Bảo.
Tuy nhiên, Quỳnh Trang luôn giúp con phân biệt rõ ràng nên nói chuyện bằng tiếng Anh với những ai trong nhà. Ngoài mẹ và một người chị họ thạo tiếng Anh, bé Thế Bảo hầu như rất hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai với mọi người trong nhà.
Và nhất là khi mọi người có hỏi hay gợi ý để cậu bé 'thể hiện' thì Bảo lại càng không nói. Đó là điều khiến Quỳnh Trang rất an tâm, dù nhiều người khuyên về việc tránh làm con rối loạn ngôn ngữ vì chưa sõi tiếng Việt.
Không ít người lo lắng rằng việc dạy trẻ học tiếng Anh quá sớm có thể sẽ bị xung đột phương pháp giảng dạy khi trẻ đến trường.
Tuy nhiên, Quỳnh Trang lại cho rằng: 'Việc con có bị loạn kiến thức hay chững lại về tiếng Anh thì nguyên nhân chính không phải tới từ cách giảng dạy ở nhà trường, mà chủ yếu là do bản thân sự nỗ lực và cố gắng của con, và số ít là do các yếu tố khác tác động'.
Với Trang và gia đình, nhìn thấy Thế Bảo thật sự hào hứng và thành thạo với ngoại ngữ là điều rất tuyệt vời.
Tiêu chí 'học mà chơi, chơi mà học' chính là bí quyết để bà mẹ Quỳnh Trang giúp con trai giao tiếp tốt tiếng Anh.
Tất cả những điều ấy dựa trên bí quyết 'học mà chơi, chơi mà học' của bà mẹ bỉm sữa Quỳnh Trang – người luôn không ngừng phấn đấu và kiên trì nuôi dạy con theo cách thức độc đáo.
Nhận xét
Đăng nhận xét